Ngọn đèn chầu

Bởi 22:05 0 nhận xét

Trong tuần tĩnh tâm chuẩn bị chịu chức thánh tại Trung tâm Tĩnh tâm K'Long Don Bosco, điểm thu hút tôi nhất trong các giờ cầu nguyện riêng trong nhà nguyện là hình ảnh của chiếc đèn chầu, một chiếc đèn nhỏ bé treo bên cạnh nhà tạm. Có lẽ do tôi đang suy tư về những sứ vụ mà tôi sắp được mời gọi để lãnh nhận nên chiếc đèn chầu ấy gợi lên trong tôi hình ảnh của một người linh mục sống đơn sơ lặng lẽ nhưng thánh thiện tại một giáo xứ nhỏ ở một miền quê hẻo lánh, giữa những con người nghèo khó. Nhưng quan trọng hơn, đó là một linh mục được sống bên Chúa, không bận tâm vấn vương với sự đời. Thế nhưng tôi lại tự hỏi: Phải chăng tôi đang muốn mình được "yên thân" với những công việc mà tôi yêu thích? Phải chăng tôi đang muốn tìm cho mình một lối đi dễ dãi và mượn hai chữ "khiêm tốn" để che đậy tính ích kỷ của bản thân?... Và rồi, hình ảnh của chiếc đèn chầu bên nhà tạm ấy bỗng khiến tôi nhớ đến một con người. Đó là Cha Guy Mary Nguyễn Hồng Giáo, một con người đã không chọn cho mình một lối sống dễ dãi nhưng đã ận tuỵ và trung tín với những gì được Thiên Chúa trao phó để phục vụ Giáo Hội và Tỉnh Dòng.
 Khi có dịp trao đổi trò chuyện với anh em trong dòng hay với các linh mục giáo phận, hầu như tôi đều nhận thấy ai ai cũng có những tình cảm quý mến và kính trọng dành cho Cha Guy Mary mỗi khi tình cờ nhắc đến ngài. Từ những gì được nghe biết về ngài qua sách báo, qua anh em hay qua những lần tiếp xúc với Cha, tôi nhận thấy nơi con người nhỏ bé ấy ẩn chứa một điều gì đó thật vĩ đại. Sự vĩ đại ấy không hệ tại ở những bằng cấp danh giá ngài đã đạt được hay tuỳ thuộc vào những chức vụ quan trọng ngài đã từng nắm giữ. Đối với tôi, ngài giống như một ngọn đèn được Chúa thắp lên trên trần gian này. Và trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, bàn tay Chúa đã đặt ngài lên cao như một ngọn hải đăng để soi chiếu, để hướng dẫn nhiều ki-tô hữu trung tín với đức tin Công Giáo và gắn bó với tinh thần nghèo khó Phúc Âm. Với khả năng trí tuệ, với lòng nhiệt huyết và với tinh thần hèn mọn, Cha đã để lại nhiều di sản quý giá cho nhiều thế hệ linh mục và tu sĩ, cho Giáo Hội và cho Tỉnh Dòng.
 Và rồi, thời gian trôi qua, khi dầu đã cạn, khi bấc đã mòn, bàn tay Chúa lại đưa Cha về một góc nhỏ để nghỉ ngơi, như một ngọn đèn nhỏ leo lét bên nhà tạm. Thế nhưng, trong chính khung cảnh dường như kín đáo lặng lẽ ấy, tôi đã bắt gặp nơi Cha hình ảnh của một chứng nhân. Và vị chứng nhân ấy đã cho tôi một bài học đức tin quý giá, quý giá hơn tất cả các bài học trên lớp ngài đã cố gắng truyền đạt, quý giá hơn tất cả những gì ngài đã từng chia sẻ với tôi mỗi khi có dịp.
 Vào sáng ngày thứ Bảy Tuần Thánh, khoảng gần ba ngày trước khi ngài ra đi, một anh em trong cộng đoàn rước Thánh Giá vào phòng y tế nơi ngài đang nằm điều trị để ngài hôn kính. Tôi tình cờ vào thăm ngài đúng vào khoảnh khắc ngài đang ngước nhìn Thánh Giá. Một khoảnh khắc vụt thoáng qua nhưng đã kịp ghi lại trong tâm trí tôi những cảm xúc mạnh mẽ. Cha nằm đó với hình nhỏ bé tiều tuỵ được gắn nhiều loại ống. Những thứ ấy giúp ngài duy trì sự sống nhưng chắc chắn cũng gây ra cho ngài nhiều đau đớn. Khi Thánh Giá với tượng Chúa chịu nạn được đưa tới trước mặt, ngài rướn người lên để hôn kính. Đôi mắt mở lớn chăm chú nhìn lên Đấng chịu đóng đinh. Đó là lần cuối cùng tôi còn nhìn thấy ánh sáng toả ra từ đôi mắt ấy. Và trong lần toả sáng sau cùng ấy, tôi thấy đôi mắt ngài diễn tả một niềm tin mạnh mẽ, điểm mấu chốt thể hiện trọn vẹn con người và lý tưởng sống của ngài. Ánh mắt của ngài như muốn nói với tôi rằng: Đấng đang treo trên thập giá ấy là Đấng đã chết nhưng Người đã sống lại.
 Khi mọi sự dường như trở nên vô nghĩa, khi mọi lý lẽ dường như phải im lặng và khi mọi niềm hy vọng dường như đã chấm dứt thì Đấng chịu đóng đinh lại tỏ mình ra như một lời giải đáp chung cuộc cho mọi vấn nạn của con người, trong đó có cả cái chết. Tôi đọc thấy nơi ánh mắt ngài một niềm tin tưởng, một niềm phó thác và một niềm hy vọng mạnh mẽ. Đó chính là ánh mắt của một chứng nhân. Ngài như một ngọn đèn nhỏ với dầu đã cạn, với bấc đã mòn nhưng vẫn còn đủ sức để đưa ra một lời chứng mạnh mẽ về sự hiện hữu đầy tình yêu của một Thiên Chúa hằng sống.
 Hôm nay, khi đang ngồi suy nghĩ và viết xuống những dòng chữ này, tôi không còn được thấy ngọn đèn nhỏ bé ấy nữa. Nhưng tôi tin chắc rằng ngọn đèn ấy không bao giờ tắt vì đã được bao phủ bởi Nguồn Sáng Vĩnh Cửu, được bàn tay Chúa nhân từ đổ tràn chất dầu không bao giờ cạn là Sự Sống Thần Linh...
 Xin thắp lên một nén hương lòng dâng kính Cha không phải để tưởng nhớ đến Cha như một kẻ đã chết nhưng để tri ân Cha như một người tôi tớ tận tuỵ và trung tín của Chúa. Thưa Cha! Đối với con, Cha như một ngọn đèn dù ở vị trí đầy kiêu hãnh của một ngọn hải đăng hay âm thầm leo lét như ngọn đèn chầu dưới nhà tạm nhỏ bé, Cha vẫn trung tín toả sáng cho đến khi ánh sáng trong Cha được nên một với Ánh Sáng của Đấng Phục Sinh. Cảm ơn Cha đã hiện diện giữa chúng con như một người anh nhỏ bé, khiêm tốn và đầy yêu thương. Cảm ơn Cha đã khơi lên trong con niềm tin và tinh thần khao khát phục vụ. Cảm ơn Cha về tất cả!
Thaihoangofm

Lạy Chúa Con

“Họ không hiểu. Họ không hiểu rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả những điều mới mẻ: Chúa đã phán cùng chúng ta ‘Ta làm tất cả mọi thứ nên mới’. Ngài dạy chúng ta rằng Chúa Thánh Thần đã đến vì lý do này, nghĩa là để làm mới mọi sự, và Ngài và tiếp tục công việc canh tân này. Điều này làm cho một số người sợ hãi. Trong lịch sử Giáo Hội, từ thời các Thánh Tông Đồ cho đến nay, bao nhiêu người đã sợ hãi khi đối mặt với những bất ngờ của Chúa Thánh Thần. Ngài là Thiên Chúa của những sự bất ngờ.. ”

ĐGH.Phanxicô

0 nhận xét:

Đăng nhận xét